Mèo Bị Búi Lông: Triệu Chứng Và Cách Điều Trị Hiệu Quả
- Người viết: Pethealth lúc
- Các loại bệnh
Mèo bị búi lông là tình trạng không hiếm gặp, đặc biệt là ở các bé mèo có lông dài. Nguyên nhân gây ra búi lông ở mèo là gì? Làm sao để ngăn ngừa và cần xử lý thế nào nếu chẳng may mèo gặp phải. Cùng Bệnh viện thú y PetHealth tìm hiểu thông tin qua bài viết dưới đây nhé!
Nguyên nhân và cách xử lý khi mèo bị búi lông
1. Búi lông ở mèo là gì?
Búi lông ở mèo là tập hợp lông rụng mà mèo nuốt phát được quyện với dịch tiêu hóa, hình thành trong dạ dày của mèo.
Búi lông mèo được hình thành khi mèo tự chải chốt. Hầu hết các con mèo đều có thói quen dùng lưỡi để liếm láp, chải chuốt cơ thể mình.
Những chiếc gai nhỏ trên lưỡi mèo có tác dụng như một "chiếc lược" chải lông. Không tránh khỏi việc lông bị kẹt trên lưỡi và bị đẩy xuống cổ họng và vào dạ dày.
Lông có thể được tiêu hóa và đẩy ra bên ngoài qua phân. Tuy nhiên, có trường hợp lông không tiêu hóa được. Chúng bị vón cục, tích tụ dần và tạo thành búi lông gây ra bệnh búi lông ở mèo. Mèo có thể nôn ra hết được búi lông, nhưng cũng có trường hợp bị tắc nghẽn, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đường ruột và tính mạng.
Hình ảnh búi lông của mèo khi chúng nôn ra
2. Vì sao mèo bị búi lông?
Như nhắc ở trên, nguyên nhân gây ra bệnh búi lông ở mèo là do thói quen chải chuốt lông của chúng. Lông vô tình bị nuốt vào không tiêu hóa được tích tụ ở dạ dày tạo thành búi lông. Khi búi lông to lên, gây ra tắc nghẽn ở đường ruột, khiến thức ăn khó có thể đi qua.
Tình trạng búi lông xảy ra phổ biến hơn với các giống mèo lông dài (mèo Ba tư, mèo Anh lông dài, mèo Ragdoll,...). Búi lông cũng ít gặp ở mèo con, khi lớn lên, chúng mới thành thạo trong việc chải lông bằng lưỡi và đối mặt với nguy cơ búi lông cao hơn. Mèo có các bệnh về tiêu hóa, viêm ruột, ung thư thường dễ bị bệnh búi lông hơn các bé mèo khỏe mạnh.
Thói quen chải chuốt lông khiến mèo đối mặt với nguy cơ bị bệnh búi lông
3. Biểu hiện bệnh búi lông ở mèo
Biểu hiện thấy rõ nhất khi mèo bị búi lông là việc Mèo khạc nhổ hoặc ho, nôn khan, nôn ra búi lông. Trường hợp nhẹ là mèo chỉ nôn ra búi lông 1 lần, sau khi các búi lông bị loại bỏ ra, mèo trở về trạng thái khỏe mạnh, ổn định như thường ngày
Tuy nhiên, việc mèo nôn ra búi lông và có thêm những biểu hiện sau thì chúng đang trong tình trạng nguy hiểm và cần sự can thiệp gấp từ các bác sĩ thú y:
- Mèo nôn quá nhiều lần (vài lần một tuần)
- Biếng ăn
- Lừ đừ, mệt mỏi
- Táo bón
- Bụng chướng, cứng
- Có dấu hiệu đau bụng.
4. Cách trị búi lông ở mèo
Búi lông mèo khi không được xử lý, chúng sẽ gây ra vấn đề về tiêu hóa, khiến mèo sụt cân, tắc ruột và thậm chí có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Khi có những biểu hiện ở trên, chúng ta không tự ý xử lý cho mèo tại nhà mà cần đưa mèo đến các cơ sở y tế để thăm khám và can thiệp. Các bác sĩ thú y sẽ tiến hành kiểm tra và điều trị theo tình trạng búi lông:
- Sử dụng thuốc, bột nhuận tràng, gel trị búi lông,... để loại bỏ búi lông
- Trường hợp mèo bị búi lông nặng, bác sĩ cần thực hiện nội soi hoặc phẫu thuật để loại bỏ búi lông, ngăn ngừa các vấn đề về sức khỏe khác.
Trường hợp nặng, bác sĩ có thể sẽ phải tiến hành phẫu thuật để loại bỏ búi lông cho mèo
5. Phòng bệnh búi lông mèo
Khó có thể ngăn hoàn toàn được nguy cơ búi lông ở mèo. Tuy nhiên, chúng ta có thể có một số biện pháp giúp giảm khả năng bị bệnh búi lông ở mèo.
5.1. Chải và cắt tỉa lông thường xuyên
Việc chải lông, cắt tỉa lông giúp loại bỏ lông rụng cho mèo, hạn chế bị mèo nuốt vào bụng. Hoạt động này cũng giúp mèo thư giãn, thoải mái và gắn kết tình cảm của chủ nuôi và mèo. Nếu không tự thực hiện được, bạn có thể cho mèo sử dụng dịch vụ spa tại các bệnh viện, spa thú cưng.
Thường xuyên chải loại bỏ lông rụng cho mèo để hạn chế lông bị nuốt vào bụng
5.2. Cải thiện chế độ dinh dưỡng cho mèo
Cho mèo ăn các thức ăn đầy đủ dinh dưỡng, đủ nước, đặc biệt là bổ sung thức ăn chứa nhiều chất xơ giúp hệ tiêu hóa khỏe mạnh. Nhờ vậy mà đường ruột trở nên trơn tru hơn, có thể đẩy được lông ra ngoài một cách nhẹ nhàng.
Bên cạnh đó, chế độ dinh dưỡng hợp lý giúp tăng cường sức khỏe da và lông mèo.
5.3. Chăm sóc sức khỏe tinh thần
Hãy dành thời gian để vỗ về, vuốt ve, chơi với mèo để chúng có tâm lý thoải mái. Sức khỏe tinh thần của mèo cũng quan trọng không kém sức khỏe thể chất. Việc căng thẳng, stress dễ khiến các bé mèo tìm đến chải chuốt để xả.
5.4. Khám sức khỏe định kỳ
Nên cho mèo thăm khám sức khỏe định kỳ để các bác sĩ sớm phát hiện những bất thường trên cơ thể mèo. Đồng thời, bạn cũng sẽ nhận được những thông tin hữu ích và khoa học khi chăm sóc thú cưng.
PetHealth là hệ thống bệnh viện thú y uy tín tại Việt Nam, chuyên khám chữa bệnh cho thú cưng và cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe.
Liên hệ tư vấn qua HOTLINE: 1900 299 982 hoặc Zalo: https://zalo.me/0862942882
Trên đây là những thông tin về nguyên nhân, biểu hiện của búi lông ở mèo. Hy vọng bạn sẽ sớm áp dụng các biện pháp phòng tránh và có kiến thức để xử lý khi mèo bị búi lông. Chúc hành trình chăm sóc thú cưng của bạn thuận lợi và nhiều niềm vui!